CHI PHÍ HỢP LÝ LÀ GÌ ? ĐIỀU KIỆN TRỞ THÀNH CHI PHÍ HỢP LÝ ?


1. Chi phí hợp lý là gì?

Chi phí hợp lý hay chi phí được trừ được sử dụng rất phổ biến trong các doanh nghiệp, nhất là bộ phận kế toán nhưng pháp luật nói chung và pháp luật về thuế nói riêng không có định nghĩa thế nào là chi phí hợp lý.

Việc không định nghĩa là điều hợp lý, bởi lẽ chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế, tính thuế thu nhập doanh nghiệp rất đa dạng và phức tạp nên không thể quy định một khái niệm chung để nhận diện mọi chi phí.

Mặc dù pháp luật không định nghĩa nhưng có quy định về điều kiện được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; theo đó một khoản chi chỉ cần đáp ứng điều kiện theo quy định sẽ trở thành chi phí hợp lý và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Căn cứ điều kiện chi phí được trừ quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC có thể hiểu chi phí hợp lý như sau:

Chi phí hợp lý là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Điều kiện trở thành chi phí hợp lý

Điều 4 Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định trừ các khoản chi không được trừ nêu tại khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:

Điều kiện 1: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều kiện 2: Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật.

Điều kiện 3: Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần mà có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định pháp luật thuế giá trị gia tăng.

Tóm lại, doanh nghiệp sẽ được trừ mọi khoản chi nếu khoản chi đó phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và khoản chi đó có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Lưu ý:

- Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ mà từng lần mua có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Trường hợp khi thanh toán mà doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).

3. Ví dụ về chi phí hợp lý phổ biến

Căn cứ điều kiện trên và thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy một số khoản chi phí được trừ phổ biến như sau:

- Tiền lương, tiền công và các chi phí khác trả cho người lao động như tiền bảo hiểm, trợ cấp,… theo quy định, trừ khoản chi thuộc trường hợp quy định tại điểm 2.6 khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.

- Doanh nghiệp chi trả tiền lương cho những ngày chưa nghỉ hằng năm của người lao động phù hợp với quy định Bộ Luật lao động và văn bản hướng dẫn thi hành nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

- Chi phụ cấp đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, phụ cấp, tiền ở cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền ở, tiền đi lại, tiền phụ cấp.

- Khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật.

- Chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư cho hoạt động kinh doanh.

- Phần chi từ 03 triệu đồng/tháng/người trở xuống để: Mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định pháp luật về BHXH, BHYT để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (BHXH, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ BHYT và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Lưu ý:  

+ Khoản chi trích nộp quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người còn phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Thỏa ước lao động tập thể; Hợp đồng lao động; Quy chế tài chính; Quy chế thưởng (theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC)

+ Doanh nghiệp không được tính vào chi phí với các khoản chi cho chương trình tự nguyện nêu trên nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).