Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư 12/2022/TT-NHNN với các quy định hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp


Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư 12/2022/TT-NHNN với các quy định hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (“Thông Tư 12”). Thông tư 12/2022/TT-NHNN sẽ thay thế Thông tư 03/2016/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 03/2016/TT-NHNN (“Thông Tư 03”).


Các điểm mới của Thông Tư 12 so với Thông Tư 03 tập trung vào các thay đổi trong thủ tục hành chính (đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài) và hướng dẫn về tài khoản thực hiện khoản vay nước ngoài. Cụ thể, một số điểm mới của Thông Tư 12 có thể kể đến như:


1. Mở rộng trường hợp không cần thực hiện đăng ký/đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài


* Đối với thủ tục đăng ký khoản vay:

Bên cạnh khoản vay trung, dài hạn nước ngoài, khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm, một trường hợp khoản vay nước ngoài cần được đăng ký tại NHNN là khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên. 

Như vậy, đối với trường hợp này, Thông Tư 12 đã có sự điều chỉnh theo hướng mở rộng thời gian thanh toán để doanh nghiệp không phải tiến hành đăng ký khoản vay, cụ thể là từ 10 ngày (theo Thông Tư 03) lên thành 30 ngày (theo Thông Tư 12).


* Đối với thủ tục đăng ký thay đổi khoản vay:

Thông Tư 12 bổ sung thêm 03 trường hợp không cần thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay:

(i) Thay đổi kế hoạch trả lãi, phí của khoản vay nước ngoài nhưng không thay đổi cách xác định lãi, phí (tức số tiền lãi, phí phải thanh toán vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi thời điểm, số lần trả);

(ii) Thay đổi (tăng hoặc giảm) số tiền rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí trong phạm vi 100 đơn vị tiền tệ của đồng tiền vay nước ngoài

(iii) Rút vốn, trả nợ gốc thực tế của một kỳ cụ thể ít hơn số tiền được nêu tại kế hoạch rút vốn, trả nợ trên văn bản xác nhận đăng ký hoặc văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài. Lưu ý rằng, bên đi vay phải đăng ký thay đổi kế hoạch rút vốn, trả nợ đối với số tiền còn lại chưa thực hiện theo quy định tại Thông tư này trước khi thực hiện rút vốn, trả nợ số tiền còn lại của kỳ đó.


2. Về tài khoản vay, trả nợ nước ngoài


* Đối với khoản vay trung, dài hạn của Bên Đi Vay là doanh nghiệp FDI: là tài khoản DICA (Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp). Về điểm này, Thông Tư 12 lưu ý thêm nội dung: “Trường hợp đồng tiền vay không phải là đồng tiền của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, Bên đi vay được mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác để thực hiện khoản vay nước ngoài tại ngân hàng nơi Bên đi vay mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp”. Ngoài ra, khi trả nợ các khoản vay còn dư nợ gốc tại thời điểm 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên và không thuộc đối tượng đăng ký theo quy định tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Thông tư,  Bên đi vay là doanh nghiệp FDI cũng không cần sử dụng tài khoản DICA để trả nợ.


* Thông Tư 12 bổ sung một số quy định đối với tài khoản của Bên Cho Vay phân theo 2 loại hình khoản vay: vay VNĐ và vay bằng ngoại tệ.


Các sửa đổi, bổ sung về quản lý ngoại hối với hoạt động vay, trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp tại Thông tư 12/2022/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ rút gọn trong một số thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện vay, trả nợ vay nước ngoài, nhưng cũng đảm bảo hơn hoạt động điều hành, giám sát của Ngân hàng nhà nước nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài của quốc gia, hỗ trợ tăng cường công tác thu thập, thống kê số liệu.

Thông Tư 12 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày  15/11/2022 sắp tới đây.

 

Thương Trần - Công ty Luật TNHH Celigal