LOGISTICS TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ NHỮNG BẤT CẬP VỀ PHÁP LUẬT


Hiện nay, dịch vụ logistics đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế Việt Nam.  Với 43,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á, điều đó cho thấy rằng nhu cầu giao hàng của ngành thương mại điện tử luôn luôn cần thiết, nhất là trong lúc đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất khó lường ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, thì nhu cầu mua sắm trực tuyến của mọi người càng ngày càng gia tăng.  Điều đó khẳng định tầm quan trọng của dịch logistics trong thương mại điện tử và đòi hỏi cần có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh hơn để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh lĩnh vực này.  Nghiên cứu thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam về logistics cho thấy một số vấn đề sau:

Thứ nhất, pháp luật Việt Nam hiện hành còn thiếu quy định về khái niệm e-logistics, gây khó hiểu và khó thực hiện.  Logistics cũng như thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển cao trong thời gian tới.  Tuy nhiên, hiện nay, do chưa nghiên cứu sâu, có nhiều người vẫn hiểu chưa đúng và chưa phân biệt được hai khái niệm e-logistics và logistics.  Ngoài ra, không ít người còn đồng nhất hai khái niệm này với nhau gây nên nhiều nhầm lẫn giữa hai.  Việc nhầm lẫn sẽ dẫn đến việc đánh giá không đúng vị trí, vai trò của hai hoạt động logistics và e-logisitics trong thương mại điện tử cũng như hạ thấp chức năng của chúng.

Thứ hai, việc phân loại các hoạt động logistics còn nằm rải rác ở khá nhiều văn bản pháp luật khác nhau dẫn đến khó khăn, bất cập trong công tác quản lý và áp dụng để xác định các hoạt động logistics.  Như chúng ta đã biết, dịch vụ logistics góp phần lớn mở rộng thị trường thương mại điện tử, các nhà sản xuất muốn chiếm lĩnh và mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình phải cần sự hỗ trợ của dịch vụ logistics.  Dịch vụ này có tác dụng như cầu nối trong vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường đến các thị trường mới đúng yêu cầu về thời gian và địa điểm đặt ra nên doanh nghiệp có thể khai thác và mở rộng thị trường nhanh và mạnh hơn.  Bởi vậy, ngoài việc cần thiết phải bổ sung định nghĩa về dịch vụ e-logistics, việc phân loại dịch vụ logistics cũng cần có quy định thống nhất. 

Thứ ba, hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh logistics trong hoạt động thương mại điện tử chưa đồng bộ, thiếu nhất quán về trách nhiệm và giới hạn quản lý giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động logistics.  Tuy logistics được xem là “yếu tố then chốt” phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ khác, nhưng đến nay chưa được quản lý vào một đầu mối thống nhất.  Nói một cách đúng hơn, logistics thực ra không phải là một ngành nghề riêng biệt mà nó chính là một chuỗi hoạt động bao gồm rất nhiều công việc khác nhau liên quan đến nhiều ngành nghề như: vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan… Vì vậy, những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics đang phải tuân thủ cùng lúc ít nhất hai tầng điều kiện kinh doanh: điều kiện cho ngành riêng lẻ trong chuỗi và điều kiện chung của chuỗi logistics khi bị gọi là ngành nghề kinh doanh.  Mỗi hoạt động này tương ứng với một ngành, nghề kinh doanh và được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành với cơ quan có thẩm quyền quản lý riêng biệt. Điều này thực sự chưa hợp lý vì vừa không phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, vừa làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.