QUẢNG CÁO BẰNG THƯ ĐIỆN TỬ - EMAIL MARKETING


Thư điện tử (Email Marketing là một hình thức tiếp thị trực tuyến sử dụng email để quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu đến khách hàng tiềm năng hoặc khác hàng hiện tại. Bài viết dưới đây CELIGAL sẽ cung cấp những thông tin về nội dung, hình thức của thư điện tử quảng cáo. 

Thư điện tử quảng cáo là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác giải thích Thư điện tử quảng cáo là thư điện tử nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi.

Những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào được phép quảng cáo?

Theo Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 có quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm:

“1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Thuốc lá.

3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

theodoitdt.png


Như vậy, ngoại trừ các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ bị cấm quảng cáo nêu trên, thì doanh nghiệp có thể thực hiện quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ còn lại.

Đối tượng nhận quảng cáo

Tại khoản 1 Điều 24 Luật Quảng cáo 2012“Tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn và thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận”. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ cũng chỉ được phép gửi thư điện tử có nội dung quảng cáo về các dịch vụ của mình và không được gửi quá ba thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định: 

“Chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến Người sử dụng khi được Người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo qua một trong các cách sau:

a) Đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo sau khi Người quảng cáo gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất;

b) Khai báo và xác nhận vào mẫu đăng ký trên giấy in, Cổng/Trang thông tin điện tử, các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội của Người quảng cáo;

c) Gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến tổng đài thoại của Người quảng cáo để đăng ký;

d) Sử dụng phần mềm hỗ trợ đăng ký nhận quảng cáo.”

Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp chịu trách nhiệm và phải có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của Người sử dụng khi gửi thư điện tử quảng cáo.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ được gửi thư quảng cáo đến những khách hàng đã đăng ký và đồng ý nhận thư trước đó. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi và quyền riêng tư của khách hàng, đồng thời giảm thiểu rủi ro của việc gửi thư không mong muốn và làm giảm chất lượng của chiến lược quảng cáo (thường được gọi là quy tắc Opt-in). Trường hợp khách hàng chưa đăng ký nhận thư quảng cáo thì doanh nghiệp không được gửi thư quảng cáo đến khách hàng.

Hình thức nội dung thư quảng cáo

Theo Điều 17 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định đối với thư điện tử quảng cáo như sau:

Chủ đề phải phù hợp với nội dung và nội dung quảng cáo phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Thư điện tử quảng cáo phải được gắn nhãn có dạng [QC] hoặc [AD] và được đặt ở vị trí đầu tiên trong phần chủ đề.

Có thông tin về Người quảng cáo bao gồm tên, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ địa lý, địa chỉ Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội (nếu có). Thông tin này phải được thể hiện một cách rõ ràng và đặt liền trước phần lựa chọn cho phép Người sử dụng từ chối nhận thư điện tử quảng cáo.

Phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước (nếu có).

Có chức năng từ chối nhận thư điện tử quảng cáo. Phần thông tin này được đặt ở cuối thư điện tử quảng cáo và thể hiện một cách rõ ràng, đồng thời phải hướng dẫn rõ ràng về từ chối và các hình thức từ chối. Hình thức từ chối nhận thư điện tử quảng cáo phải bao gồm: (i) Từ chối qua Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, (ii) Từ chối qua thư điện tử và (iii) Từ chối qua điện thoại.