QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ VIỆC CÁ NHÂN KÊU GỌI QUYÊN GÓP TỪ THIỆN
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Bão lũ làm nhiều người chết và mất tích; nhiều ngôi nhà bị ngập, sập đổ, hư hỏng; kéo theo sự mất mát và hư hỏng của hoa màu, cây trồng cũng như hệ thống đường sá; nhiều nơi đang bị chia cắt, nhiều khu vực dân cư bị cô lập. Hơn lúc nào hết, người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt, đang rất cần sự quan tâm, cứu trợ từ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Nhiều địa phương đoàn thể kêu gọi, tiếp nhận tiền từ thiện, nhu yếu phẩm mong sao chia sẻ những mất mát, khó khăn với những nạn nhân để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, dư luận có khá nhiều ý kiến về việc cá nhân, tổ chức kêu gọi thực hiện đóng góp từ thiện thế nào cho hiệu quả và đúng luật? Cá nhân có được đứng ra kêu gọi từ thiện không? Hoạt động từ thiện của cá nhân được điều chỉnh như thế nào? Việc công khai minh bạch ra sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về quy định của pháp luật đối với việc cá nhân kêu gọi quyên góp từ thiện.
Những đối tượng được quyền kêu gọi từ thiện
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Những đối tượng có thể vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện gồm:
a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi, vận động; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập - sau đây gọi là Ban Vận động) tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
b) Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
c) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền theo quy định của pháp luật;
d) Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai;
đ) Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế vận động, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
e) Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi là quỹ từ thiện) vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
g) Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
h) Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Như vậy, theo quy định trên, cá nhân hoàn toàn có quyền để kêu gọi, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện nếu đáp ứng đủ năng lực hành vi dân sự.
Những quy định về cá nhân kêu gọi từ thiện
Căn cứ theo Mục 2 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định cá nhân kêu gọi từ thiện như sau:
Về việc vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp từ thiện
Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Về việc phân phối, sử dụng nguồn đóng góp từ thiện
Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) chậm nhất để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
Chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.
Khuyến khích cá nhân chi từ nguồn đóng góp tự nguyện theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 93/2021/NĐ-CP, trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.
Cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Việc tiếp tục phân phối, sử dụng để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
Chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp hỗ trợ sửa chữa, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, mua sắm trang thiết bị, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phân phối, sử dụng thực hiện quản lý tài chính theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này; trường hợp hỗ trợ tài sản cụ thể là công trình hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị từ nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để hỗ trợ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện tiếp nhận, xác định giá trị và quản lý tài sản theo quy định tại khoản 7 Điều 13 Nghị định này.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.
Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết đồng lòng vì đồng bào của nhân dân ta là vô cùng đáng quý. Với việc có hiệu lực từ ngày 11-12-2021, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các hoạt động từ thiện, đặc biệt là hoạt động huy động, tiếp nhận và phân phối từ thiện của cá nhân được công khai, minh bạch và rõ ràng.
Tin liên quan
- QUY ĐỊNH VỀ DI CHÚC CỦA NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
- QUY TRÌNH XIN GIẤY PHÉP TỔ CHỨC SỰ KIỆN ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
- QUY ĐỊNH MỚI VỀ VIỆC TÁCH THỬA THEO LUẬT ĐẤT ĐAI 2024
- MANG THAI HỘ ĐỐI VỚI CẶP VỢ CHỒNG CÓ KHẢ NĂNG SINH CON - CÓ THỂ HAY KHÔNG?
- CẦN LƯU Ý GÌ KHI THÀNH LẬP CÔNG TY VỐN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM?
- NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI THỰC HIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ HẢI QUAN
- BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHỆ SỐ
- ĐẠI DIỆN THEO UỶ QUYỀN LÀ GÌ?
- QUẢNG CÁO BẰNG THƯ ĐIỆN TỬ - EMAIL MARKETING
- NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ VỐN ĐIỀU LỆ
Tác giả
Tin nổi bật
- » CỔ ĐÔNG SỞ HỮU BAO NHIÊU CỔ PHẦN THÌ ĐƯỢC QUYỀN KIỂM SOÁT CÔNG TY
- » RỦI RO PHÁP LÝ KHI ĐẤT CÓ SỔ NHƯNG NHÀ CHƯA ĐƯỢC CẤP SỔ
- » HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ LOGISTICS ĐỂ BẮT KỊP SỰ BÙNG NỔ CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
- » CÔNG TY FINTECH VÀ HÀNH LANG PHÁP LÝ
- » LOGISTICS TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ NHỮNG BẤT CẬP VỀ PHÁP LUẬT
- » Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư 12/2022/TT-NHNN với các quy định hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp
- » GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
- » Quy Định Mới Về Kinh Doanh Trò Chơi Điện Tử Có Thưởng Dành Cho Người Nước Ngoài
- » ONEX LOGISTICS VÀ CELIGAL KÝ KẾT HỢP TÁC
- » Một Số Điểm Đáng Chú Ý Của Nghị Định 112/2021/NĐ-CP Quy Định Chi Tiết Một Số Điều Và Biện Pháp Thi Hành Luật Người Lao Động Việt Nam Đi Làm Việc Ở Nước Ngoài Theo Hợp Đồng