Bảo Hộ Nhãn Hiệu Âm Thanh Tại Việt Nam


Luật Sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ (“Luật Sửa Đổi”) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 sắp tới đã có nhiều sửa đổi trong các quy định sở hữu trí tuệ hiện hành. Trong đó, quy định về nhãn hiệu âm thanh được đánh giá là một trong những điểm mới mang tính đột phá, có hiệu lực từ trước đó vào ngày 14/01/2022. 

Trước đây, do hạn chế về khả năng trong công tác thi hành, các cơ quan nhà nước đã từ chối việc bảo hộ đối với các nhãn hiệu này. Do đó, sự bổ sung quy định về bảo hộ đối với nhãn hiệu âm thanh trong Luật Sửa Đổi là vô cùng cần thiết.

Cụ thể, phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu được mở rộng, theo đó bên cạnh các dấu hiệu được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, nhãn hiệu được bảo hộ còn có thể là “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Mặt khác, tại Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ về Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, Luật Sửa Đổi yêu cầu mẫu nhãn hiệu đối với nhãn hiệu âm thanh “phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.” 

Như vậy, điều kiện đặt ra với các dấu hiệu âm thanh để được bảo hộ (nhãn hiệu âm thanh) là phải thể hiện được dưới dạng đồ họa. Tuy nhiên, điều này khiến không ít doanh nghiệp băn khoăn rằng: “Làm thế nào để thể hiện âm thanh dưới dạng đồ họa"? Sự thiếu vắng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể, nên mặc dù đã có quy định bảo hộ nhãn hiệu âm thanh thì hiện tại, các doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc triển khai áp dụng.

Để giải đáp điều này, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Việt Hà, tại Hội nghị khoa học về Những điểm mới của Luật Sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ - được tổ chức tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/8/2022 vừa qua – đã có giải thích tóm lược định hướng triển khai của Cục SHTT đối với các đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đã tiếp nhận kể từ 14/01/2022. Cụ thể, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ định hướng triển khai áp dụng theo tiêu chuẩn ST68 của WIPO về nhãn hiệu âm thanh để thẩm định đơn. Mẫu nhãn hiệu sẽ có tệp âm thanh có định dạng tệp mp3, dung lượng 2-5 mb để phù hợp với các tiêu chuẩn của WIPO và cũng như để thích hợp với việc công bố đơn. Bản thể hiện đồ họa của nhãn hiệu âm thanh là các thể hiện dưới dạng khung, tài liệu tách rời thay vì dán lên như mẫu đơn hiện hành. Cục SHTT cũng dự kiến sẽ tiến hành sửa đổi Mẫu tờ khai đăng ký theo các tiêu chuẩn của WIPO. 

Nhu cầu bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và các nhãn hiệu phi truyền thống khác (mùi, vị, dấu hiệu động,...) là vô cùng cấp thiết, nhất là khi các doanh nghiệp hiện tại đang có xu hướng ứng dụng công nghệ và media vào hoạt động marketing để xây dựng hình ảnh trong mắt khách hàng ngày càng nhiều, cũng như sự gia tăng các doanh nghiệp công nghệ thông minh. Do đó, doanh nghiệp nên kịp thời nắm bắt cơ hội và nhanh chóng đăng ký những nhãn hiệu âm thanh cho riêng mình để tạo dựng ưu thế cho hoạt động kinh doanh của mình.

-Công ty Luật TNHH Celigal-