BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VẬT NUÔI GÂY RA


Thú cưng gây thiệt hại thì chủ có trách nhiệm phải bồi thường ?

Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nuôi thú cưng vì mục đích thương mại đang ngày càng phổ biến trên thị trường Việt Nam nói riêng, Thế giới nói chung.

 

Có rất nhiều loại thú cung có bản tính hoang dã, được con người thuần hoá, kiểm soát các hoạt động của thú cưng, tuy nhiên trên thực tế xuất phát từ bản tính tự nhiên hoặc do lỗi quản lý của con người, mà khi hoạt động súc vật có thể gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản cho chính con người.

 

Thực tế đó đã đặt ra một vấn đề pháp lý cần xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức với tư cách là chủ sở hữu súc vật, người chiếm hữu, sử dụng súc vật hoặc người thứ ba trong việc bồi thường những thiệt hại do súc vật gây ra.

 

Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

 

“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

 

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

 

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

 

Như vậy, bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng của chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người thứ ba khi họ có lỗi vì để cho súc vật mình sở hữu, chiếm hữu gây thiệt hại về tính mạng, về tài sản cho người khác.

Về mức bồi thường thiệt hại, pháp luật vẫn tạo điều kiện cho 2 bên tự thoả thuận, trong trường hợp các bên không thoả thuận được, hai bên cùng xảy ra tranh chấp thì bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp.