CÁC LOẠI GIẤY PHÉP CẦN THIẾT KHI TỔ CHỨC KINH TẾ CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG BÁN LẺ TẠI VIỆT NAM


Lĩnh vực bán lẻ luôn là điểm hút các nhà đầu tư nước ngoài, mang lại dòng vốn FDI cho Việt Nam. Theo đó, để thực hiện hoạt động phân phối bán lẻ tại thị trường Việt Nam, bên cạnh việc thành lập tổ chức kinh tế, cần đáp ứng các điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Bài viết dưới đây, CELIGAL sẽ cung cấp những thông tin về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh, điều kiện lập cơ sở bán lẻ theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Bán lẻ là gì?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Nghị định 09”), bán lẻ được định nghĩa như sau:

“7. Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.”

 Do đó, bán lẻ là hoạt động bán hàng hướng đến các đối tượng bao gồm cá nhân, hộ gia đình và tổ chức khác với mục đích tiêu dùng. Hiện tại, pháp luật Việt Nam đang dùng phương pháp loại trừ đối việc giải thích “mục đích tiêu dùng” tại Điều 3.1 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), do đó, tiêu dùng được hiểu là hoạt động không vì mục đích thương mại.

Để thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam, theo Điều 5 Nghị định 09, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (“Foreign Invested Enterprise” hay “FIE”) phải được cấp giấy phép kinh doanh và giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ.

Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh 

Theo Điều 9 Nghị định 09, FIE có hoạt động bán lẻ tại Việt Nam được cấp Giấy phép kinh doanh có thể được chia làm hai trường hợp sau.

Trường hợp thứ nhất: Nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, FIE phải:

- Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

- Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

Trường hợp thứ hai: Nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, FIE phải

- Đáp ứng 03 điều kiện tương tự tại trường hợp thứ nhất;

- Đáp ứng tiêu chí sau:

(i) Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;

(ii) Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;

(iii) Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;

(iv) Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước. 

shutterstock_2119930133-1200x800-1.jpg

Điều kiện lập cơ sở bán lẻ

Theo Điều 22, 23 Nghị định 09, FIE lập cơ sở bán lẻ cần đáp ứng các điều kiện được quy định trong các trường hợp sau đây.

 Thứ nhất, lập cơ sở bán lẻ thứ nhất, FIE phải:

- Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ;

- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;

- Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.

Thứ hai, lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất:

- Trường hợp không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế thì FIE chỉ cần đáp ứng các điều kiện tương tự thành lập cơ sở bán lẻ thứ nhất.

- Trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế, ngoài các điều kiện tương tự thành lập cơ sở bán lẻ thứ nhất, FIE phải đáp ứng tiêu chí Kiểm tra nhu cầu kinh tế, cụ thể như sau:

(i) Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;

(ii) Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;

(iii) Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;

(iv) Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;

(v) Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể:

+                  Tạo việc làm cho lao động trong nước;

+                  Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý;

+                  Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý;

+                  Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Do đó, đối với mỗi cơ sở bán lẻ là FIE thành lập cần đáp ứng các điều kiện để được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.