GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI DOANH NGHIỆP TIẾN HÀNH THỦ TỤC GIẢI THỂ


Tình hình kinh tế toàn cầu trong năm qua đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Việc giải thể doanh nghiệp là điều không ai mong muốn, nhưng khi khả năng phục hồi sau khủng hoảng đã không còn, đây có thể là lựa chọn tốt nhất cho chủ doanh nghiệp và các bên liên quan. Rõ ràng, người lao động là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi doanh nghiệp giải thể. Họ có thể đột ngột mất thu nhập và rơi vào tình trạng bị động khi nhận thông báo giải thể. Vậy, pháp luật lao động quy định những gì để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp này? Công ty Luật TNHH Celigal xin gửi tới Quý khách hàng bài viết sau đây để Quý khách hàng có thêm thông tin pháp lý tham khảo.


I. Công ty có thể giải thể trong các trường hợp nào?

Theo khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020, có thể hiểu rằng doanh nghiệp có thể giải thể theo hai dạng:

- Do quyết định của chính doanh nghiệp

+ Theo quyết định của chủ sở hữu/các thành viên/ các cổ đông;

+ Theo thời hạn hoạt động được ghi nhận tại điều lệ mà không có quyết định gia hạn;

+ Công ty không còn đủ thành viên để duy trì loại hình công ty (ví dụ: là công ty TNHH hai thành viên trở lên nhưng công ty chỉ còn một thành viên) trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

- Theo quyết định của cơ quan nhà nước: Bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.


II. Khi công ty giải thể, người lao động có được thông báo không?

Khi công ty giải thể, người lao động được thông báo các nội dung với thời điểm như sau:

- Thông báo chủ sở hữu/ hội đồng thành viên/ đại hội đồng cổ đông đã thông qua nghị quyết giải thể công ty trong 07 ngày làm việc kể từ ngày văn bản được thông qua theo khoản 3 Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020;


- Thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do công ty giải thể theo khoản 7 Điều 34, khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019. Thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động tính từ thời điểm có thông báo chấm dứt hoạt động.

Khi doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi đang tiến hành giải thể, thông tin của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ được ghi nhận tình trạng đang giải thể. Do đó, người lao động có thể tự tra cứu tình trạng này.


III. Trước khi công ty giải thể, quyền lợi của người lao động được giải quyết như thế nào?

Quy định pháp luật hiện nay đang ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người lao động khi công ty giải thể, cụ thể:

- Điểm a khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

5. Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây: 

a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

- Điểm a khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: 

1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

Như vậy, khi doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp phải ưu tiên thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp, bảo hiểm và các quyền lợi khác cho người lao động trong vòng từ 14 đến khoảng 35 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Với kiến thức pháp luật chuyên sâu về lao động và kinh nghiệm nhiều năm tư vấn và giải quyết tranh chấp lao động, đội ngũ Luật sư và nhân sự của Công ty Luật TNHH Celigal luôn sẵn sàng xem xét hồ sơ, nghiên cứu và kịp thời đưa ra giải pháp pháp lý phù hợp nhằm đảm bảo tốt nhất, hiệu quả nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.