MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ XUẤT NHẬP KHẨU VÀNG NGUYÊN LIỆU


Từ xưa đến nay, vàng đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên thế giới, nó được xem như một phương tiện chuyển đổi thành tiền tệ, Ngoài ra, vàng còn được dùng để làm trang sức và có ích trong y học hay điện tử khi sở hữu tinh chất vật lý đa dạng. Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ ràng và cụ thể về việc nhập khẩu vàng nguyên liệu. Thông qua bài viết sau, Công ty Luật TNHH Celigal (Celigal Law Firm) sẽ cung cấp cho Quý vị một vài thông tin về vấn đề này.


I. Định nghĩa về vàng nguyên liệu

Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.


II. Một số quy định về xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu

Điều 14 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu như sau:

1. Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6 Điều này và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng theo quy định tại khoản 7 Điều này.

2. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

4. Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

5. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong năm kế hoạch cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào năng lực sản xuất và báo cáo tình hình xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ của năm trước.

6. Doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng có nhu cầu nhập khẩu vàng do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

7. Doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được.

8. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

9. Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện, thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.


III. Điều kiện cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ 

Căn cứ Điều 3 Thông tư 16/2012/TT-NHNN (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-NHNN) quy định doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để được cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu phải có các điều kiện như sau:

- Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

- Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

- Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp và cho đến thời điểm cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.


IV. Trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu

a) Hồ sơ

Căn cứ tiểu mục 11 Mục B Phần II Thủ tục hành ban hành kèm theo Quyết định 109/QĐ-NHNN năm 2023 thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu;

+ Báo cáo tình hình nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ của doanh nghiệp trong thời hạn 12 tháng liền kề trước thời điểm báo cáo, kèm bảng kê các tờ khai Hải quan nhập khẩu vàng và phiếu trừ lùi in từ hệ thống thông tin nghiệp vụ Hải quan có xác nhận của doanh nghiệp về tính chính xác của tài liệu này.

+ Bản kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ

b) Thủ tục

- Căn cứ tiểu mục 11 Mục B Phần II Thủ tục hành ban hành kèm theo Quyết định 109/QĐ-NHNN năm 2023 thì trình thực đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được hướng dẫn như sau:

+ Bước 1: Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính

+ Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố gửi hồ sơ đề nghị cấp phép của doanh nghiệp và văn bản của NHNN chi nhánh có ý kiến về việc doanh nghiệp có đủ hoặc không đủ điều kiện được cấp Giấy phép đến NHNN Việt Nam.

+ Bước 3: Trong thời hạn tối đa 17 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, NHNN Việt Nam gửi văn bản thông báo việc chấp thuận hoặc từ chối cấp phép đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

+ Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của NHNN Việt Nam, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

- Cách thức  nộp hồ sơ: 

+ Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; 

+ Qua dịch vụ bưu chính.

- Thời hạn giải quyết: 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp.


V. Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

Tại Điều 17 Thông tư 16/2012/TT-NHNN (sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-NHNN và khoản 2 Điều 2 Thông tư 15/2021/TT-NHNN) quy định về thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ như sau:

- Doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 10 Thông tư này để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu

- Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố gửi hồ sơ đề nghị xem xét việc cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối). Hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có ý kiến về việc doanh nghiệp có đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2012/TT-NHNN, bao gồm cả việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và sự phù hợp giữa Bản kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp và nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp;

+ Bản sao hồ sơ đề nghị cấp phép của doanh nghiệp;

- Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn bản thông báo việc chấp thuận hoặc từ chối cấp phép đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

- Trong thời hạn 3 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản thông báo của Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu tại Phụ lục 15 Thông tư này).


Trên đây là một số chia sẻ của Công ty Luật TNHH Celigal về một số quy định về xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, xin vui lòng liên hệ chúng tôi. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.