Phần 2: THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH VI TRUYỀN ĐẠT VÀ PHÂN PHỐI BẤT HỢP PHÁP TÁC PHẨM TRONG MÔI TRƯỜNG INTERNET VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN


LS. Nguyễn Thị Thanh Nhã & ThS. Trịnh Tuấn Anh

Công ty Luật TNHH Celigal


1.2. Các biện pháp xử lý hành vi truyền đạt và phân phối bất hợp pháp tác phẩm trong môi trường internet

Tự bảo vệ bằng biện pháp công nghệ

Tự bảo vệ có nghĩa là tự mình tổ chức, thực hiện các biện pháp đối phó với hành vi xâm hại mà không dựa vào công lực.

Dưới góc độ luật thực định, Luật SHTT Việt Nam thừa nhận rằng chủ thể có quyền áp dụng công nghệ để bảo vệ tác phẩm là chủ sở hữu quyền tác giả, cụ thể: “Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền SHTT”. có thể hiểu quyền tự bảo vệ tác phẩm bằng công nghệ là quyền áp dụng công nghệ hiệu quả để bảo vệ tác phẩm nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả của chủ sở hữu. Luật SHTT Việt Nam không giải thích như thế nào là một biện pháp công nghệ cũng như điều kiện áp dụng quyền tự bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp công nghệ. Tại Khoản 2, Điều 21, Nghị định 105/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 119/2010/NĐ-CP) quy định về biện pháp công nghệ như sau: (i) Đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu trí tuệ lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, bản gốc và bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm thông báo rằng sản phẩm là đối tượng thuộc quyền SHTT đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm; (ii) Sử dụng phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ. Đồng thời, pháp luật SHTT cũng xác định các hành vi xâm phạm “biện pháp công nghệ” bao gồm: (i)  Hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ; (ii) Hành vi giúp sức cho người trực tiếp vô hiệu hóa biện pháp công nghệ; và quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên vấn đề đặt ra, Luật SHTT Việt Nam không nhất quán trong cách thức sử dụng thuật ngữ. Điểm a, Khoản 1, Điều 98 sử dụng thuật ngữ “biện pháp công nghệ” để ghi nhận về quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu quyền tác giả. Trong khi đó,  khi ghi nhận về các hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Khoản 12, Khoản 14, Điều 28, Luật SHTT Việt Nam lại sử dụng thuật ngữ “biện pháp kỹ thuật”. Đồng thời, Luật SHTT xác định việc áp dụng biện pháp công nghệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả để chống lại hành vi xâm phạm quyền tác giả; tuy nhiên lại không xác định hành vi xâm phạm biện pháp công nghệ là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Biện pháp hành chính

Dưới góc độ luật thực định thì Luật SHTT Việt Nam đã liệt kê một danh sách các hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, quy định này còn rất chung chung, do vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 211 Luật SHTT, việc quy định cụ thể về các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt hành chính được giao cho Chính phủ thực hiện.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó có liệt kê các hành vi “ xâm phạm quyền truyền đạt; và phân phối tác phẩm đến công chúng” tại Điều 15, 17  Nghị định số 131/2013/NĐ-CP; trong đó áp dụng với các hành vi xâm phạm quyền tác giả được thực hiện trên Internet. Các hình thức xử phạt bao gồm: (i) phạt tiền; và (ii) Buộc khắc phục hậu quả đó là dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử trên môi trường Internet. Vấn đề đặt ra, mặc dù Luật SHTT quy định hai hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả bao gồm: Cảnh cáo; và phạt tiền. Tuy nhiên, luật không quy định cụ thể cách thức áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo; đồng thời trong các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả hay trong môi trường Internet, biện pháp cảnh cáo không được đưa vào thực hiện. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người sử dụng khi “ vô ý” thực hiện hành vi vi phạm nhưng lại không có cơ chế nhắc nhở nào trước khi bị xử phạt với hình thức phạt tiền. Có ý kiến nhận định: “Trong lĩnh vực SHTT những biện pháp hành chính được sử dụng thường xuyên hơn so với những biện pháp khác như dân sự.Tuy nhiên, những biện pháp hành chính này cho thấy sự kém hiệu quả trong lĩnh vực quyền tác giả trên

Internet do không đáp ứng được với sự thay đổi của thị trường thông tin, nơi mà

Internet trở nên ngày càng phổ biến”

* Biện pháp dân sự

Biện pháp dân sự là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục TTDS. Khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả trong môi trường Internet thì chủ sở hữu quyền tác giả có quyền yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm. Dưới góc độ luật thực đinh, Điều 202 Luật SHTT năm 2009 quy định 5 biện pháp dân sự để xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả; tuy nhiên chỉ có 2 biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi truyền đạt và phân phối bất hợp pháp tác phẩm trong môi trường internet; đó là các biện pháp: (i) Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; (ii) Buộc xin lỗi, cải chính công khai; (iii) Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; (iv) Buộc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nghịch lý là các biện pháp dân sự hiếm khi được sử dụng trên thực tế tại Việt Nam, mà thay vào đó là các biện pháp hành chính lại được áp dụng thường xuyên hơn, bởi một trong các lý do đó là việc xác định mức thiệt hại đối với hành vi truyền đạt và phân phối bất hợp pháp tác phẩm trong môi trường internet luôn là vấn đề không đơn giản và gặp nhiều trở ngại hơn. Cụ thể, trường hợp một tác phẩm điện ảnh được lưu trữ và cho phép truy cập trái phép trên mạng Internet, có thể sử dụng công cụ kỹ thuật để thống kê được có bao nhiêu lượt người truy cập để xem và/hoặc download tác phẩm đó một cách trái phép trên một website cụ thể. Trong trường hợp này, nếu giả định việc xem trực tuyến và/hoặc tải tác phẩm đó đã được định sẵn cho mỗi lần truy cập thì có thể tính được sơ bộ thiệt hại mà chủ sở hữu quyền tác giả bị mất trên thực tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhiều trường hợp tác phẩm được sao chép trái phép từ một website, sau đó tiếp tục được đưa lên các Website khác hoặc được các cá nhân chia sẻ với nhau. Điều này dẫn đến rất khó kiểm soát được số lượng người truy cập trái phép. Bên cạnh đó, cơ sở để đánh giá mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh đối với lĩnh vực quyền tác giả cũng đặc biệt khó khăn. Bởi lẽ, mức độ truy cập để sử dụng tác phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tâm lý của công chúng, khả năng thẩm thấu nghệ thuật.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, Sửa đổi Khoản 12, Điều 28, Luật SHTT Việt Nam như sau: “Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ hiệu quả do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.” Việc sửa đổi này là cần thiết nhằm thống nhất cách thức sử dụng thuật ngữ giữa điều 28 và điều 98, Luật SHTT. Đồng thời, bổ sung quy định xác định hành vi xâm phạm biện pháp công nghệ là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Thứ hai, Nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp dân sự.

 Để bảo đảm thực thi hiệu quả các biện pháp dân sự cần cân nhắc thành lập Tòa án chuyên trách về quyền SHTT, trong đó có các quyền tác giả. Bởi tính chất đặc thù của lĩnh vực SHTT, thẩm phán toà chuyên trách phải có chuyên môn và nghiệp vụ “chuyên sâu” về SHTT. Bên cạnh đó, trong thành phần xét xử các vụ án về SHTT thì cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án và các chuyên gia về SHTT đến từ các cơ quan chuyên môn (Viện Khoa học SHTT và Cục SHTT) để bảo đảm tính nhanh chóng và tính chính xác khi ra phán quyết tranh chấp về SHTT. Đồng thời cần linh hoạt áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn khi giải quyết tranh chấp quyền tác giả trong môi trường Internet bởi vì hành vi vi phạm này nếu không được xử lý kịp thời thì tốc độ lan truyền và gây thiệt hại rất lớn.   

Thứ ba, Hoàn thiện các quy định về biện pháp hành chính. Theo đó, cần bổ sung hình phạt chính là “cảnh cáo” trong xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan đối với chủ thể có hành vi “vô ý” truyền đạt và phân phối bất hợp pháp tác phẩm trong môi trường Internet; đồng thời Luật SHTT cần đưa ra các quy định cụ thể khi áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo. Bởi vì, mặc dù Luật SHTT ghi nhận hình thức xử phạt cảnh cáo nhưng pháp luật SHTT lại không quy định cụ thể cách thức áp dụng hình thức xử phạt này. Việc này có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người vi phạm, khi họ vô tình thực hiện hành vi vi phạm nhưng lại không có một có chế nhắc nhở nào trước khi bị xử phạt với hình thức cao hơn. Dưới góc nhìn so sánh, các nhà lập pháp có thể tham khảo kinh nghiệp của pháp luật SHTT của Cộng Hòa Pháp quy định biện pháp cảnh cáo được quy định rất rõ trong một cơ chế được gọi là “giải pháp từng bước” bao gồm ba giải pháp, trong đó hai giải pháp đầu mang tính phòng ngừa và giải pháp thứ ba có tính chất trấn áp. Đối với hai giải pháp đầu, đầu tiên, một bức thư cảnh cáo điện tử sẽ được gửi đến người có hành vi vi phạm. Kế đến, một văn bản cảnh cáo sẽ được gửi đến bằng thư có bảo đảm. 

(Phần 1: https://celigal.com/phan-1-thuc-trang-quy-dinh-phap-luat-ve-bien-phap-xu-ly-hanh-vi-truyen-dat-va-phan-phoi-bat-hop-phap-tac-pham-trong-moi-truong-internet-va-kien-nghi-hoan-thien-i143)