THỨ TỰ THANH TOÁN KHI DOANH NGHIỆP TUYÊN BỐ PHÁ SẢN


Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Vậy một doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản khi nào? Thứ tự thanh toán khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản được thực hiện như thế nào? 

Căn cứ pháp lý

Luật phá sản 2014

Phá sản là gì?

Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Như vậy, một doanh nghiệp được coi là phá sản khi thỏa mãn đồng thời hai điều kiện: Doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán Doanh nghiệp bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Doanh nghiệp tuyên bố phá sản khi nào?

Theo quy định của Luật phá sản, doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản khi:

  • Doanh nghiệp bị Tòa án tuyên bố phá sản theo thủ tục rút gọn. Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản; tạm ứng chi phí phá sản; Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản thì Tòa án nhân dân sẽ xem xét; ra quyết định tuyên bố phá sản.
  • Khi Hội nghị chủ nợ tổ chức không thành công. Các trường hợp được coi là tổ chức không thành bao gồm:
    + Khi Hội nghị chủ nợ đã bị hoãn 1 lần mà khi triệu tập lại vẫn không đáp ứng đủ điều kiện hợp lệ;
    + Không thông qua được Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ;
    + Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi doanh nghiệp hoặc không tổ chức được Hội nghị chủ nợ để thông qua phương án phục hồi.
  • Khi Hội nghị chủ nợ thông qua được Nghị quyết trong đó có kết luận đề nghị tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
  • Sau khi Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; nhưng doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn quy định; doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; thì Tòa án ra quyết định tuyên bố Phá sản.

Thứ tự thanh toán khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản

Kể từ thời điểm được Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản; doanh nghiệp không còn tồn tại và hoàn toàn chấm dứt tư cách pháp lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tiến hành chi trả các khoản nợ như sau:

Theo quy định, trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự sau:

  • Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc; BHXH; BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
  • Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; hợp tác xã;
  • Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.