5 LƯU Ý KHI KÝ HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH (BCC)


Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) được khá nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn. Với cơ chế thực hiện đầu tư trên cơ sở hợp đồng nên hợp đồng BCC đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong suốt quá trình hợp tác.

Ngay từ khi Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên ra đời năm 1987 và sau này là Luật Đầu tư các năm 2005, 2014, 2020 thì hợp đồng hợp tác BCC luôn được quy định là một trong những hình thức đầu tư.

Dưới đây là một số lưu ý trong quá trình ký, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) này:
 

1. Ưu, nhược điểm của hợp đồng BCC


1.1. Ưu điểm

Thứ nhất, không phải thành lập pháp nhân mới, việc thực hiện đơn giản, thuận tiện giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư.

Thứ hai, với cơ chế đàm phán để chia sẻ lợi ích và nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư, đầu tư theo hình thức hợp tác đầu tư có tính linh hoạt cao.

Thứ ba, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác hỗ trợ khắc phục yếu điểm phát huy ưu điểm của nhau. Đơn cử như nhà đầu tư trong nước có thể hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường và ngược lại nhà đầu tư trong nước sẽ nhận được hỗ trợ vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại.

Thứ tư, các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn giữ được pháp nhân, vị thế độc lập của mình trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Tư cách pháp lý độc lập nên trong quyết định đầu tư các bên không bị quá phụ thuộc vào nhau.
 

1.2. Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm, đương nhiên hợp đồng BCC vẫn còn tồn tại hạn chế nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, không thành lập pháp nhân mới nên các bên phải cử ra một bên đứng lên làm đại diện để điều hành, quản lý hoạt động chung. Điều này vô tình làm tăng trách nhiệm của một bên so với bên còn lại.

Thứ hai, quyền tự do thỏa thuận cao, nếu không có cơ chế vận hành, quản lý, hạch toán cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, chi tiết sẽ dẫn đến việc cảm tính, nếu phát sinh mâu thuẫn khó có cơ chế điều chỉnh.

Thứ ba, do không thành lập pháp nhân chung nên phải dùng pháp nhân của một bên để thực hiện tất cả các giao dịch nếu không quy định tách bạch trong quản lý doanh thu, thuế, con dấu… sẽ rất dễ làm phát sinh mâu thuẫn có thể làm đổ vỡ quan hệ hợp tác.
 

2. Dành thời gian tìm hiểu về đối tác

Trong bất cứ quan hệ hợp tác nào, việc tìm hiểu về đối tác là không thể bỏ qua, muốn hợp đồng hợp tác đem lại lợi ích thì phải hợp tác đúng đối tượng.

Do vậy, hãy dành thời gian để tìm hiểu về năng lực tài chính, thương mại, kỹ thuật, chuyên môn của đối tác.

3. Dành thời gian soạn thảo hợp đồng  

Do không thành lập pháp nhân mới, mọi hoạt động được thực hiện trên cơ sở hợp đồng nên các bên phải dành thời gian thích đáng để soạn thảo hợp đồng, cố gắng lường trước rủi ro có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trước tiên, hợp đồng BCC phải đảm bảo các nội dung chủ yếu được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Đầu tư năm 2020 gồm:

a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng được quyền thỏa thuận nội dung khác không trái với quy định pháp luật.

4. Thành lập Ban điều phối hợp đồng

Vì hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các bên được coi như bản Điều lệ của doanh nghiệp nên khi tham gia hợp đồng BCC các bên nên thành lập Ban điều phối hợp đồng nhằm thực hiện các điều khoản của hợp đồng.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Nếu không thành lập được, nên có quy chế quản lý thực hiện hợp đồng đó, là phụ lục đính kèm theo hợp đồng: Phân công rõ ràng doanh thu, đội ngũ nhân sự… do bên nào quản lý; phân chia quyền, trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
 

5. Định hướng được mô hình kinh doanh trong tương lai

Hợp đồng hợp tác kinh doanh thường được sử dụng trong các lĩnh vực như dầu khí, khai thác khoáng sản… và thường có thể kéo dài khoảng 05 - 10 năm nên các bên cần có định hướng về mô hình kinh doanh cũng như sự phát triển của hoạt động đầu tư do hợp đồng này mang lại.

Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý, điều hành hợp đồng phù hợp với mục tiêu kinh doanh của từng giai đoạn.