Phần 1: THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH VI TRUYỀN ĐẠT VÀ PHÂN PHỐI BẤT HỢP PHÁP TÁC PHẨM TRONG MÔI TRƯỜNG INTERNET VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN


LS. Nguyễn Thị Thanh Nhã & ThS. Trịnh Tuấn Anh

Công ty Luật TNHH Celigal


1. 
Thực trạng quy định pháp luật về biện pháp xử lý hành vi truyền đạt và phân phối bất hợp pháp tác phẩm trong môi trường internet

1.1. Quy định pháp luật về hành vi truyền đạt và phân phối bất hợp pháp tác phẩm trong môi trường internet

Dưới góc độ luật thực định, các quyền tài sản của người sáng tạo tác phẩm được pháp luật Việt Nam bảo hộ gồm: Quyền làm tác phẩm phái sinh; quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; quyền sao chép tác phẩm; quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; quyền truyền đạt tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. Các quyền này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Việc công nhận quyền tác giả là một quyền độc quyền có thể xem như một vũ khí hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của tác giả.

Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng

Ở khía cạnh pháp lý quốc tế, quy định về quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng được ghi nhận tại Công ước Berne với nội hàm tác giả tác phẩm được “độc quyền” thực hiện hoặc cho phép người khác truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện hoặc quy trình nào, hữu tuyến hoặc vô tuyến. Ở Việt Nam quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác được pháp luật SHTT quy định là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn. Như vậy, việc đưa tác phẩm này đến những người sử dụng Internet được xem là hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng; bởi lẽ thông qua các trang web trực tuyến, tác phẩm có thể được truy cập trên toàn thế giới. Dưới góc nhìn so sánh, quy định pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương thích với thông lệ quốc tế, ví dụ tại Pháp thì việc phát tán một tác phẩm trên internet được Tòa án nhận định là hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng; hoặc Đạo luật TEACH năm 2002 của Hoa Kỳ [Technology, Education and Copyright Harmonization Act] cho phép truyền đạt các tác phẩm đến các lớp học để học viên có thể nhận được các tác phẩm dù họ ở bất cứ đâu6”.  Như vậy, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng được hiển nhiên thừa nhận trong môi trường internet. Tuy nhiên, quyền tác giả có thể bị xâm phạm hiển nhiên trong môi trường  internet, nơi mà khán giả không ở trước một sân khấu hay trong một nhà hát mà là trước màn hình máy tính.  

Quyền phân phối tác phẩm đến công chúng

Ở khía cạnh pháp lý quốc tế, quy định về quyền phân phối tác phẩm đến công chúng được ghi nhận tại Hiệp ước của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) về quyền tác giả (WCT) với nội dung “Tác giả của tác phẩm văn học và nghệ thuật được hưởng quyền độc quyền cho phép cung cấp tới công chúng bản gốc và bản sao tác phẩm đó thông qua việc bán hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu”. Ở Việt Nam, quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm được pháp luật SHTT quy định là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Dưới góc nhìn so sánh, quy định pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương thích với thông lệ quốc tế, ví dụ tại Ở Hoa Kỳ, quyền phân phối tác phẩm đến công chúng được ghi nhận trong đạo luật bản quyền (Copyright law) năm 1976 với nội dung quyền phân phối tác phẩm là một trong những quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Quyền này cho phép chủ sở hữu quyền tác giả chuyển tải các tác phẩm đến công chúng bằng việc bán, cho thuê, cho mượn hoặc cho mướn. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam thì tác giả được hưởng độc quyền thực hiện hoặc cho phép người thứ ba phân phối tác phẩm của mình bằng bất kỳ hình thức hoặc phương tiện nào; có nghĩa bao gồm việc truyền tải các bản sao của tác phẩm trên môi trường internet.

Hành vi truyền đạt và phân phối bất hợp pháp tác phẩm trong môi trường internet

 Khác với phương thức truyền thống, hành vi truyền đạt và phân phối bất hợp pháp tác phẩm trên môi trường Internet được tiến hành nhanh chóng và phạm vi lan tỏa rộng  trên cơ sở hợp đồng thuê bao với nhà cung cấp dịch vụ Internet. Mạng Internet cho phép từ một máy chủ có thể truyền tải tới số lượng người truy cập không giới hạn và cho phép người sử dụng tiếp cận nguồn thông tin vào bất cứ lúc nào mà không bị hạn chế về mặt thời gian hay địa điểm. Trên một số trang web, có thể nhập từ khoá thông qua công cụ tìm kiếm và sau đó xuất hiện tất cả các loại tác phẩm đã sẵn sàng để được sử dụng mà không có sự giới hạn. Đặc biệt, mỗi người sử dụng Internet đều có thể thực hiện hành vi truyền tải tác phẩm tới những người khác, không giới hạn ở bất cứ yếu tố nào.

Trong trường hợp này, các tác phẩm được công bố trái phép dẫn đến việc truyền tải, sao chép và thậm chí là phân phối một cách dễ dàng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ sở hữu quyền tác giả.

Dưới góc độ luật thực định thì pháp luật SHTT hiện hành xác định hành vi truyền đạt và phân phối bất hợp pháp tác phẩm trong môi trường internet được hiểu là hành vì phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả ; hoặc không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật. Trên thưc tế, việc làm này đã gây ảnh hưởng đến việc khai thác tác phẩm và gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của tác giả. Đồng thời, việc số hóa và sau đó đưa tác phẩm lên Internet bất hợp pháp cũng ảnh hưởng đến chất lượng đích thức của tác phẩm do có thể có sai sót trong việc truyền tải hình ảnh; và nội dung của tác phẩm, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của tác phẩm, bởi theo quy định pháp luật SHTT hiện hành thì hành vi “xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm” được hiểu là hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại danh dự và uy tín của tác giả.  

Trên thực tế hành vi truyền đạt và phân phối bất hợp pháp tác phẩm trong môi trường internet được diễn ra tương đối phổ biến trong thời gian qua. Điển hình, trong lĩnh vực điện ảnh thì tác phẩm điện ảnh thường được tải xuống và phân phối bất hợp pháp dưới các định dạng như Wav, MPEG, Quicktime…vvv; hoặc bị phân phối bất hợp pháp bằng cách đặt trộm máy quay cá nhân vào rạp chiếu phim và công khai trình chiếu bộ phim đó trên trang web cá nhân. Mặc dù, các bản sao như vậy thường có chất lượng thấp hơn đĩa DVD nhưng việc không mất tiền đến rạp chiếu phim hay mua một đĩa DVD chất lượng là một việc vô cùng hấp dẫn đối với những cá nhân yêu thích sử dụng Internet12.Theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) ước tính Việt Nam hiện nay có khoảng

150 website liên quan đến việc chia sẻ âm nhạc trên internet và hầu hết đều chưa có giấy phép; theo thống kê chưa đầy đủ của Trung âm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, khoảng 200.000 bài hát đang lưu hành trên các trang web nhạc số chưa xin phép bản quyền tác giả và quyền liên quan bao gồm cả những trang web đặt máy chủ tại nước ngoài.