THỦ TỤC TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ CHO CÔNG TY CỔ PHẦN KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG TY ĐẠI CHÚNG


Công ty chưa đại chúng được hiểu là công ty cổ phần họ chưa đáp ứng các điều kiện để trở thành công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán 2019. Để đa dạng và tăng cường nguồn vốn cho hoạt động phát triển công ty, các công ty cổ đông cũng cần tính đến phương án huy động bổ sung vốn từ những nhà đầu tư khác, thông qua hoạt động phát hành cổ phần riêng lẻ. Hoạt động này được pháp luật quy định khá rõ ràng, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp vẫn sai sót khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động này. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề xuất một số lưu ý cũng là kinh nghiệm của chúng tôi khi tư vấn cho khách hàng thực hiện hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ dành cho công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng.


I. Hình thức chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ

Căn cứ theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 (“LDN 2020”):

1. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ.

2. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;

b) Chào bán cổ phần riêng lẻ;

c) Chào bán cổ phần ra công chúng.

3. Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty đại chúng và tổ chức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán’’

Như vậy, Công ty cổ phần không phải công ty đại chúng muốn tăng vốn điều lệ thì phải thực hiện thủ tục chào bán cổ phần; căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, công ty cổ phần không phải công ty đại chúng không được tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán cổ phần ra công chúng, việc chào bán cổ phần chỉ có thể thực hiện theo 2 hình thức: chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phần riêng lẻ. 


II. Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

a) Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là gì

Theo khoản 1 Điều 124 LDN 2020, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả các cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty.

b) Thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 153, Điều 126 LDN 2020: 

- Hội đồng quản trị (“HĐQT”) sẽ kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại và Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) quyết định việc đó. 

- HĐQT sẽ quyết định thời điểm, hình thức và giá bán của cổ phần. Giá bán cổ phần không được thấp hơn giá trị thị trường tại thời điểm bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 126 LDN 2020.

c) Trình tự chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

Căn cứ theo khoản 2 Điều 124 LDN 2020, việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được thực hiện như sau:

Bước 1: Công ty thông báo bằng văn bản đến cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần. Thông báo phải bao gồm: 

- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; 

- Số cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty; 

- Tổng số cổ phần dự kiến chào bán và số cổ phần cổ đông được quyền mua;

- Giá chào bán cổ phần;

- Thời hạn đăng ký mua;

- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;

Lưu ý: Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành.

Bước 2: Cổ đông gửi phiếu đăng ký mua cổ phần về công ty theo đúng thời hạn như thông báo

- Trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng thời hạn theo thông báo thì cổ đông đó coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua.

- Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.

- Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký hết thì HĐQT có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác.

Bước 3: Người mua thanh toán đầy đủ cho số cổ phần đã đăng ký mua

- Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 2 Điều 122 LDN 2020 được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.

Bước 4: Công ty phát hành và giao cổ phiếu cho người mua

Sau khi cổ phần được thanh toán đầy đủ, công ty phát hành và giao cổ phiếu cho người mua

Bước 5: Công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.


III. Chào bán cổ phần riêng lẻ

a) Điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ

Căn cứ theo khoản 1 Điều 125 LDN 2020, chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải công ty đại chúng phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Không chào bán thông qua phương tiện đại chúng

- Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp

b) Trình tự chào bán cổ phần riêng lẻ

Bước 1: Công ty quyết định phương án chào bán cổ phần riêng lẻ 

Bước 2: Cổ đông của công ty thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần như Bước 1, Bước 2 của mục II.

Bước 3: Trường hợp cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua không mua hết thì số cổ phần còn lại được bán cho người khác theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ.

Bước 4: Công ty phát hành và giao cổ phiếu cho người mua

Sau khi cổ phần được thanh toán đầy đủ, công ty phát hành và giao cổ phiếu cho người mua

Bước 5: Công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.


Trên đây là một số chia sẻ của Công ty Luật TNHH Celigal về thủ tục tăng vốn điều lệ cho Công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, xin vui lòng liên hệ chúng tôi. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.