CHÍNH THỨC TỔ CHỨC THÍ ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CHO VAY NGANG HÀNG TRONG VÒNG 2 NĂM KỂ TỪ NGÀY 01/07/2025


Vào ngày 29/04/2025 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94 về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, từ 1/7, hoạt động cho vay ngang hàng sẽ được thử nghiệm trong 2 năm, cùng với chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở.

Cụ thể, một trong các giải pháp fintech được Chính phủ đồng ý thử nghiệm là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Công ty cho vay ngang hàng chỉ được cung cấp giải pháp thử nghiệm khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Cho vay ngang hàng là hình thức kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay tiền thông qua một nền tảng trực tuyến, không cần trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng.

Hoạt động thử nghiệm P2P Lending sẽ được cấp phép trong 2 năm, nhưng không áp dụng với các ngân hàng ngoại. Các tổ chức tín dụng, công ty công nghệ tài chính được tham gia xét duyệt cơ chế thử nghiệm, song không đồng nghĩa việc họ sẽ đáp ứng các điều kiện kinh doanh và đầu tư khi pháp luật có quy định. Kết quả thử nghiệm là căn cứ để các cơ quan quản lý nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan lĩnh vực cho vay này.

Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng với nhiều đơn vị vốn đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước từng đánh giá một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending thiếu minh bạch, chưa có cơ chế giám sát việc sử dụng, quản lý vốn vay của loại hình này, nên có thể dẫn tới tranh chấp giữa các bên. Việc đưa ra các nguyên tắc và quy định để thử nghiệm có kiểm soát với fintech cho vay ngang hàng là cần thiết.

Cùng với P2P Lending, Việt Nam có khoảng 200 công ty fintech và 90% số này hoạt động trong mảng ngân hàng (thanh toán, ứng dụng xếp hạng, chấm điểm tín dụng...). Tại Nghị định lần này, Chính phủ cũng cho phép thí điểm hoạt động fintech khác, gồm chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API).

Mục tiêu của cơ chế thử nghiệm các dịch vụ fintech lần này, theo Chính phủ, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng và giúp người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả với chi phí thấp. Ngoài ra, việc tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá chi phí, lợi ích và giúp hạn chế rủi ro với khách hàng khi sử dụng các giải pháp này.

Liên quan đến quá trình xây dựng quy định liên quan đến hoạt động cho vay ngang hàng, từ năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động (sandbox) công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo phương án lấy ý kiến trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất cho phép thử nghiệm có kiểm soát đối với sáu lĩnh vực, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending). Các lĩnh vực khác bao gồm: cấp tín dụng thông qua nền tảng công nghệ, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API)...

NHNN cho biết, hoạt động cho vay ngang hàng đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng danh nghĩa mô hình này để trục lợi, đánh vào sự thiếu hiểu biết của người dân bằng cách quảng cáo sai sự thật. Cụ thể, với nhà đầu tư bỏ vốn, họ cam kết mức sinh lời cao; còn với người đi vay, họ giới thiệu mức lãi suất thấp nhưng trên thực tế lại tính lãi suất rất cao, mang tính "cắt cổ".

Cơ quan quản lý đánh giá rằng, nhiều thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending còn thiếu minh bạch, không rõ ràng về mặt pháp lý và không có cơ chế giám sát, kiểm tra việc sử dụng và quản lý nguồn vốn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện. Vì vậy, việc ban hành các nguyên tắc và quy định cụ thể để thử nghiệm có kiểm soát đối với fintech trong lĩnh vực cho vay ngang hàng nói riêng, cũng như fintech trong hoạt động ngân hàng nói chung, là điều cần thiết.

Đối với vấn đề pháp lý liên quan đến mô hình cho vay ngang hàng và các hoạt động fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Công ty Celigal chúng tôi sở hữu đội ngũ luật sư và chuyên viên có chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn vững vàng, sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ giải đáp mọi thắc mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như các đơn vị khởi nghiệp. Chúng tôi đã và đang tham gia trực tiếp vào quá trình tư vấn, xây dựng giải pháp pháp lý cho các mô hình thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, góp phần đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và hạn chế rủi ro pháp lý cho các bên liên quan.