TIỀN ẢO ĐƯỢC SỬ DỤNG HỢP PHÁP TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?


Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý được đặt ra ở Việt Nam hiện nay.

Cơn sốt “tiền ảo” năm nào giờ đây đang quay trở lại, lần này là bởi vì nó liên qua đến một số nghệ sĩ nổi tiếng. Thực tế, nhiều người vẫn mơ hồ về tính hợp pháp của việc "chơi coin" hay "đầu tư tiền ảo". Trong bài viết này, tập trung phân tích tính hợp pháp của 3 hành vi sau đây liên quan đến các loại tiền ảo đó là: Sử dụng để thanh toán, mua bán, trao đổi và phát hành, cung ứng đồng tiền ảo.

    Tiền ảo có thể hình dung đơn giản là các loại tiền được mã hóa, hoạt động tương tự như các loại cổ phiếu, tức chúng có giá trị quy đổi nhất định và có cả một thị trường ảnh hưởng đến việc lên, xuống về tỷ giá.

    Về cơ bản thì không phải ai cũng hiểu rõ về tài chính, công nghệ, chính vì vậy hiện nay hiện tượng ồ ạt đầu tư vào các loại tiền ảo có thể nói là tương tự một phương pháp “chơi cổ phiếu mù” – tức họ sẽ đưa tiền cho một số người hiểu rõ hơn về các đồng tiền này, hoặc chỉ đơn giản là nạp tiền vào một tài khoản nhất định để người khác “chơi” hộ, với cam đoan sinh lời “khủng” lên đến vài chục hoặc vài trăm phần trăm vốn bỏ ra.

    Tuy vậy, không phải  tất cả những hoạt động liên quan đến tiền ảo đều sẽ là những hành vi phạm pháp.

    1. Sử dụng tiền ảo để thanh toán có hợp pháp?

    Đây là câu hỏi dễ trả lời nhất, bởi ở Việt Nam, có hai hình thức thanh toán chính:

  *Bằng tiền mặt: 

Đơn vị tiền duy nhất được công nhận ở Việt Nam là Việt Nam đồng (viết tắt bằng ký tự “đ”). Bên cạnh đó, tiền ảo cũng không phải là đồng tiền chính thức của bất kỳ quốc gia nào, nên cũng không được coi là ngoại tệ.

(Khoản 2 Điều 6, Điều 16, Điều 17 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam)

  *Bằng phương tiện thanh toán không phải tiền mặt: 

Theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam thì những loại phương tiện thanh toán sau đây sẽ được coi là hợp pháp:

“Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.”

    Tiền ảo không nằm trong danh sách kể trên, như vậy có thể đưa ra kết luận cho mục là: sử dụng bất kỳ loại tiền ảo nào làm phương tiện thanh toán cũng đều BỊ CẤM.

Hành vi sử dụng các phương tiện thanh toán chưa được pháp luật cho phép sẽ bị phạt từ 40 – 50 triệu đồng theo Điểm d Khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

 

    2. Mua bán, trao đổi

Ở phần này, mình xin khẳng định việc mua bán, trao đổi các đồng tiền điện tử thực chất cũng chỉ giống một loại giao dịch, hợp đồng có quyền – nghĩa vụ giữa hai bên, như vậy thì nó KHÔNG HỀ BỊ CẤM.

    Như đã phân tích ở trên, Việt Nam không công nhận các loại tiền ảo là một loại tiền tệ, chính vì vậy chỉ khi các bạn sử dụng nó vào lưu thông, thanh toán thì hành vi của bạn mới BỊ CẤM, bởi lẽ nó làm ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế.

    Việc mua bán, trao đổi các đồng tiền này cũng có thể xem như việc mua bán, trao đổi một loại hàng hóa vì cũng không có quy định pháp luật nào liệt kê tiền điện tử vào danh sách “hàng cấm”. Chính vì lẽ này, nếu bạn xem tiền ảo là một kênh đầu tư và hiểu biết đủ rõ về thị trường tiền ảo, bạn hoàn toàn có thể dùng nó như một phương thức kiếm thu nhập.

    Tuy nhiên, lợi nhuận lúc nào cũng đi cùng rủi ro. Trong trường hợp bạn giao dịch đồng tiền ảo đổi lấy tiền thật, hoặc các thỏa thuận đầu tư để người khác “chơi hộ”, bạn nên nhớ rằng chính vì Việt Nam KHÔNG CÔNG NHẬN các loại tiền này, do vậy sẽ không có quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của người bán, người mua  và cũng không có hành lang pháp lý giống như khi bạn chơi chứng khoán.

    Một trường hợp xấu hơn, giả sử bạn bị lừa đảo mất một số tiền ảo nhất định, lúc này nếu muốn xử phạt hành chính, quy trách nhiệm hình sự cho đối tượng lừa đảo, ít nhất đồng tiền này cũng phải được xác định là một loại tài sản, tuy nhiên Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ xác định “tài sản” bao gồm: Tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản – tiền ảo lại chỉ là một đoạn mã máy tính!

    Mặt khác, để truy cứu tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” thì cơ quan chức năng phải xác định được lượng tài sản bạn mất là bao nhiêu, trong khi họ đã không công nhận, không có căn cứ xác minh, quy đổi với loại tiền này. Như vậy sẽ càng khó khăn trong việc truy cứu kẻ lừa đảo để lấy lại số tiền đã mất cho bạn!

 

    3. Phát hành, cung ứng

    Tại các Nghị định 101/2012/NĐ-CP và Nghị định 80/2016/NĐ-CP có quy định cấm Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp. Điều này có nghĩa nếu bạn phát hành, cung ứng các loại tiền điện tử này với mục đích biến nó trở thành một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thì mới có căn cứ xử phạt hành chính.

    Ngược lại, nếu bạn là người phát hành, tạo ra các loại tiền này nhưng với mục đích đem nó trao đổi, mua bán như một món hàng thì pháp luật không hề can thiệp. Hiểu đơn giản nó giống như việc bạn tạo ra một món đồ bất kỳ và đem buôn bán trao đổi, miễn là món đồ đó không nằm trong danh sách hàng cấm ở Việt Nam thì bạn sẽ không bị xử phạt, và như đã nói, chẳng có quy định nào của pháp luật liệt "tiền ảo" vào danh sách cấm cả.

    Như vậy, mong rằng với những kiến thức kể trên, các bạn đã hiểu rằng phải "sử dụng" các loại tiền ảo như thế nào và làm cách nào để bảo vệ mình, hạn chế rủi ro phát sinh từ tiền ảo!