VAY TÍN CHẤP - ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM


Hình thức vay tín chấp có nhiều ưu điểm nổi bật như thủ tục dễ dàng thực hiện nhưng đồng thời cũng đi kèm với các nhược điểm về lãi suất và hạn mức vay.

Vay tiêu dùng tín chấp là gì?

Vay tín chấp là hình thức cho vay không cần tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín của cá nhân về năng lực trả nợ để phục vụ cho mục đích vay.

 

Khi xét duyệt khoản vay, tổ chức cho vay sẽ dựa vào mức thu nhập, lịch sử tín dụng, uy tín của khách hàng tại nơi làm việc để quyết định số tiền cho vay và thời gian cụ thể.

 

Vay tín chấp chủ yếu được áp dụng cho các khoản vay tiêu dùng. Trong đó, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định:

 

Cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100 triệu đồng.

 

Ngoài ra, đối với các ngân hàng, thông thường các khoản vay tiêu dùng tín chấp thường không quá 500 triệu.

 

Như vậy, số tiền mà các tổ chức tín dụng, ngân hàng cho vay tiêu dùng tín chấp thường không lớn, chủ yếu phục vụ nhu cầu cá nhân của khách hàng như: mua sắm vật dụng gia đình, sửa sang nhà cửa, du lịch, chữa bệnh,…

 

Hiện nay, có rất nhiều công ty tài chính cho vay tiêu dùng tín chấp như:  FE Credit, Easy Credit, Lotte Finance… hay các ngân hàng như: ACB, HSBC, Maritime Bank, Techcombank, VPBank…

 

Ngoài ra, các hình thức vay tín chấp cũng vô cùng đa dạng, như: Vay tín chấp theo lương; Vay tín chấp theo sổ hộ khẩu; Vay tín chấp theo đăng ký xe; Vay tín chấp theo hợp đồng bảo hiểm; Vay tín chấp theo sim; Vay tín chấp theo hóa đơn điện nước…

Giải đáp thắc mắc: Rủi ro tín dụng là gì? Cách biện pháp phòng rủi ro

 

Ưu điểm khi tiêu dùng tín chấp

 

Về ưu điểm, rất nhiều người lựa chọn vay hình thức tiêu dùng tín chấp để giải quyết khó khăn tài chính bởi các lý do sau:

 

Điều kiện vay đơn giản, không cần tài sản đảm bảo

 

Do số tiền cho vay tiêu dùng tín chấp thường không lớn, nên các tổ chức tín dụng, ngân hàng không yêu cầu quá cao về điều kiện cho vay.

 

Để được cho vay, khách hàng cần đáp ứng một số điều kiện như:

 

- Là công dân Việt Nam hoặc cư trú tại Việt Nam;

 

- Có các giấy tờ chứng minh nhân thân như: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Sổ hộ khẩu/Giấy phép lái xe…

 

- Có thu nhập ổn định, lịch sử tín dụng tốt.

 

Ngoài các yêu cầu trên, khách hàng không cần có tài sản đảm bảo cho khoản vay, cũng như không cần chứng minh về mục đích sử dụng vốn.

 

Hồ sơ thủ tục dễ thực hiện

 

Hiện nay, việc thực hiện thủ tục vay tiêu dùng vô cùng đơn giản, dễ thực hiện. Khi có nhu cầu vay tín chấp, khách hàng chỉ cần cung cấp các giấy tờ nhân thân theo yêu cầu, sau đó đợi xét duyệt và nhận tiền.

 

Nhiều hệ thống bán hàng, siêu thị còn liên kết với các công ty tài chính, ngân hàng để khách hàng được vay tiêu dùng trực tiếp khi mua sắm. Ngoài ra, rất nhiều bên cho vay đã phát triển dịch vụ vay trực tuyến, giúp khách hàng được vay tiền dù ở bất cứ đâu.

 

Thời gian xét duyệt, giải ngân nhanh chóng

 

Khi vay tiêu dùng tín chấp, thời gian các tổ chức tín dụng, ngân hàng xét duyệt hồ sơ và giải ngân tối đa chỉ vài ngày làm việc.


Sốc với lãi suất của "tín dụng đen" đang móc túi khách hàng 

Nhược điểm khi vay tiêu dùng tin chấp

Ngoài các ưu điểm kể trên, vay tiêu dùng tín chấp cũng có một số nhược điểm nhất định như:

 

Hạn mức vay thấp

 

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, hạn mức cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được quy định là không quá 100 triệu đồng trên mỗi khách hàng.

 

Với các ngân hàng, thông thường hạn mức cho vay với các khoản vay tín chấp cũng không quá 500 triệu đồng.

 

Lãi suất cao

 

Lãi suất và rủi ro là hai yếu tố luôn đi đôi với nhau. Cho vay tín chấp là hình thức cho vay dựa trên uy tín cá nhân mà không cần thế chấp tài sản. Do đó, bên cho vay rất có thể sẽ không đòi được nợ do khách không có khả năng chi trả hoặc bị khách vay trốn nợ.

 

Ngoài yếu tố rủi ro, các chi phí phát sinh để quản lý khoản vay như chi phí đòi nợ, chi phí phục vụ… đối với các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn sẽ cao hơn so với các khoản vay dài hạn có tài sản thế chấp.

 

Vì vậy, lãi suất đối với các khoản vay tiêu dùng tín chấp luôn cao hơn so với các khoản vay có tài sản thế chấp.

 

Bị làm phiền, nhắc nợ nhiều lần

 

Cũng bởi lý do không có tài sản đảm bảo nên khi cho vay tiêu dùng tín chấp, các tổ chức cho vay, đặc biệt là các công ty tài chính sẽ liên tục gọi điện nhắc nhở, thúc giục khách hàng trả nợ đúng hạn để tránh xảy ra tình trạng trốn nợ.

 

Nếu khách hàng không nghe máy, thậm chí nhiều tổ chức tín dụng còn gọi điện tới cả người thân của khách để nhắc nợ. Điều này ít nhiều khiến khách hàng không thoải mái và cảm thấy bị làm phiền.