CẬP NHẬT QUY ĐỊNH MỚI: CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 94/2025/NĐ-CP


Ngày 29 tháng 4 năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

Nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương phát triển tài chính toàn diện gắn với đổi mới sáng tạo, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro trong quá trình áp dụng các giải pháp công nghệ tài chính mới (Fintech)

 

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Nghị định điều chỉnh hoạt động triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech).

Ba nhóm giải pháp được phép tham gia thử nghiệm bao gồm:

  • Chấm điểm tín dụng;
  • Chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API);
  • Cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Đối tượng áp dụng gồm:
(i) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
(ii) Công ty công nghệ tài chính;
(iii) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
(iv) Khách hàng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

2. Mục tiêu và nguyên tắc thực hiện

Cơ chế thử nghiệm nhằm:

  • Tạo điều kiện đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech trong môi trường có kiểm soát;
  • Thúc đẩy sáng tạo, hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng;
  • Làm cơ sở thực tiễn phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật.

Việc xét duyệt tổ chức tham gia phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Cơ chế thử nghiệm không làm phát sinh quyền kinh doanh chính thức đối với tổ chức tham gia cho đến khi có quy định pháp luật điều chỉnh tương ứng.

3. Thời hạn, phạm vi, không gian thử nghiệm

  • Thời gian thử nghiệm: Tối đa 02 năm; được gia hạn tối đa 02 lần, mỗi lần không quá 01 năm.
  • Không gian thử nghiệm: Giới hạn trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Phạm vi thử nghiệm: Căn cứ vào Giấy chứng nhận do Ngân hàng Nhà nước cấp, phù hợp với đề án thử nghiệm được chấp thuận.

 

4. Điều kiện tham gia đối với doanh nghiệp Fintech

Công ty Fintech tham gia thử nghiệm phải:

  • Là pháp nhân hợp pháp tại Việt Nam;
  • Có người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm;
  • Có hệ thống hạ tầng công nghệ đạt chuẩn, lưu trữ dữ liệu trong nước;
  • Đối với công ty cho vay ngang hàng: không được có vốn đầu tư nước ngoài, không tự cung cấp bảo đảm khoản vay, không hoạt động với tư cách là khách hàng.

 

5. Quy trình đăng ký và cấp Giấy chứng nhận tham gia thử nghiệm

Tổ chức đăng ký thử nghiệm gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Nghị định, bao gồm các tài liệu pháp lý, đề án mô tả giải pháp, kế hoạch thử nghiệm, hồ sơ nhân sự, năng lực công nghệ,...

Ngân hàng Nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ, phối hợp lấy ý kiến bộ, ngành liên quan và cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm trong thời hạn luật định nếu hồ sơ hợp lệ.

 

6. Cơ chế giám sát, báo cáo và xử lý rủi ro

Tổ chức tham gia có nghĩa vụ:

  • Báo cáo định kỳ theo quý, báo cáo giữa kỳ và kết thúc;
  • Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu hoặc xảy ra rủi ro nghiêm trọng;
  • Thiết lập phần mềm giám sát theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước;
  • Bảo đảm quyền lợi khách hàng, có quy trình xử lý khiếu nại, đền bù.

Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát và yêu cầu điều chỉnh, dừng thử nghiệm khi phát hiện vi phạm hoặc rủi ro hệ thống.

 

7. Kết thúc và xử lý sau thử nghiệm

Tùy thuộc kết quả triển khai, tổ chức có thể được:

  • Cấp Giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm;
  • Gia hạn thời gian thử nghiệm;
  • Dừng thử nghiệm và thu hồi Giấy chứng nhận nếu vi phạm, không đáp ứng điều kiện hoặc phát sinh rủi ro nghiêm trọng.

Giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm không có giá trị thay thế giấy phép kinh doanh và chỉ mang ý nghĩa ghi nhận hoàn tất thử nghiệm trong khuôn khổ của Nghị định này.

 

8. Trách nhiệm của các chủ thể liên quan

  • Tổ chức tham gia thử nghiệm: Tuân thủ nghiêm các quy định của Nghị định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động thử nghiệm và bảo vệ quyền lợi khách hàng.
  • Khách hàng: Cung cấp thông tin trung thực, hiểu rõ rủi ro khi sử dụng giải pháp Fintech đang thử nghiệm.
  • Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chủ trì thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, giám sát quá trình thử nghiệm, ban hành quyết định liên quan.
  • Các Bộ, ngành có liên quan: Phối hợp góp ý hồ sơ, kiểm tra, đánh giá rủi ro, đề xuất chính sách quản lý phù hợp.

 

9. Hiệu lực thi hành

Nghị định số 94/2025/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.