LUẬT CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ: NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT VÀ GÓC NHÌN PHÁP LÝ VỀ TÀI SẢN SỐ, TÀI SẢN MÃ HÓA


Quốc hội chính thức thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số ngày 14/6/2025. Với góc nhìn của một luật sư chuyên sâu về chính sách công nghệ, bài viết này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về: Các khái niệm được luật điều chỉnh, những khoảng mở pháp lý và điều gì doanh nghiệp nênkhông nên làm trong bối cảnh hiện nay ?

Khác với các luật hiện hành vốn chỉ đề cập rời rạc đến dữ liệu, AI hay phần mềm, Luật này xác lập một hệ sinh thái pháp lý toàn diện gồm:

-        Công nghiệp công nghệ số (sản xuất phần mềm, phần cứng, nội dung số),

-        Công nghiệp bán dẫn (chip, vật liệu, thiết bị),

-        Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu số,

-        Các cơ chế ưu đãi đầu tư, thử nghiệm có kiểm soát, và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm công nghệ.

ð Đặc biệt, luật đề cập đến “tài sản số” và dữ liệu phi cá nhân như một loại tài sản mới trong nền kinh tế kỹ thuật số – dù chưa định nghĩa rõ ràng “tài sản mã hóa” như tiền mã hóa, NFT, token.

Luật không định nghĩa “tài sản số” một cách trực tiếp, nhưng gián tiếp công nhận giá trị pháp lý – kinh tế của các sản phẩm như: Phần mềm, nền tảng số, dữ liệu số, Hệ thống AI, dữ liệu huấn luyện, Các sản phẩm nội dung số (văn bản, hình ảnh, âm thanh), Dữ liệu đã được phi cá nhân hóa. => Đây đều là những dạng tài sản số có thể được sử dụng, chuyển nhượng, thương mại hóa hợp pháp.

Doanh nghiệp có thể: Đăng ký quyền tác giả cho phần mềm, thiết kế NFT, Ghi nhận tài sản số vào sổ sách kế toán nếu có định giá hợp lý, Giao dịch, chuyển nhượng thông qua hợp đồng, miễn là không vi phạm luật hiện hành.

Về nguyên tắc, Luật Việt Nam hiện chưa công nhận tài sản mã hóa (token, coin) là tài sản hợp pháp, và tiền mã hóa không phải là phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, Luật Công nghiệp Công nghệ số đã mở ra một cánh cửa pháp lý mới thông qua:

🔸 Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) – Điều 3, khoản 12

  • Doanh nghiệp có thể đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ để thử nghiệm sản phẩm blockchain, NFT, token nội bộ hoặc nền tảng mã hóa tài sản số trong phạm vi:
    • Có giới hạn người dùng, thời gian, địa bàn;
    • Có biện pháp kiểm soát dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng;
    • Không có chức năng thanh toán thay thế tiền mặt.

Việc “thử nghiệm có kiểm soát” không hợp pháp hóa tài sản mã hóa, nhưng tạm thời cho phép triển khai có điều kiện, đồng thời miễn trừ một số trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra sự cố trong phạm vi thử nghiệm.

Trong bối cảnh Luật Công nghiệp Công nghệ số đã chính thức được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp công nghệ cần chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển sản phẩm để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tận dụng các cơ hội ưu đãi. Về nguyên tắc, doanh nghiệp nên chủ động đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) nếu đang triển khai các giải pháp sử dụng blockchain, tài sản mã hóa nội bộ hoặc các mô hình dữ liệu số chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể. Đồng thời, cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho phần mềm, thiết kế NFT, nền tảng số để đảm bảo tài sản số có cơ sở pháp lý rõ ràng. Ngoài ra, việc tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phi cá nhân hóa dữ liệu là điều kiện bắt buộc để tránh rủi ro pháp lý và xây dựng niềm tin với người dùng. Ngược lại, doanh nghiệp không nên phát hành token hoặc coin ra công chúng để huy động vốn khi chưa được pháp luật cho phép, cũng như không nên triển khai các hoạt động giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa xuyên biên giới nếu chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Việc bỏ qua các yếu tố pháp lý trong giai đoạn đầu phát triển công nghệ có thể khiến toàn bộ mô hình kinh doanh rơi vào tình thế rủi ro, thậm chí bị xử lý vi phạm.